Chuyện giảm nghèo ở Miền Trung và Tây Nguyên - Phương dựng lại, chưa có ảnh đại diện

  • 01/01/2020 10:15:52
  • Ánh Phương
  • Xã hội
  • 0

1001 cách giảm nghèo bền vững đã được các hộ nghèo và cộng đồng ở khu vực Miền Trung và Tây Nguyên triển khai thực hiện và bước đầu mang lại những kết quả tích cực.

 

 

Thoát khỏi tâm lý trông chờ ỷ lại

Là một trong những hộ gia đình nông dân được hưởng lợi từ Dự án, anh Phạm Văn Mến thuộc đồng bào dân tộc thiểu số Hrê là thành viên nhóm cải thiện sinh kế Nuôi heo sinh sản thôn Kon Dóc thuộc Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tại xã Ba Trang, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Trước khi vào nhóm năm 2015, tổng thu nhập của gia đình anh với 03 nhân khẩu chỉ trông chờ vào 2 sào lúa nước gieo trồng 01 vụ. Thu nhập từ lúa không đủ nuôi sống gia đình anh, thả vài con vịt, con gà chẳng giải quyết được chuyện gì, tới mùa thì vợ chồng anh phải theo người trong thôn đi làm keo, làm mỳ... nên cứ đến tháng giáp hạt lại thiếu đói. Vợ anh đang mang bầu đứa con thứ 2 nhưng phải bươn mình đi làm keo, làm rẫy còn đứa con đầu mới 03 tuổi thì bị suy dinh dưỡng.

Trước khi vào nhóm, anh rụt rè, ít giao tiếp, chẳng dám nghĩ, dám làm gì khác ngoài những tập quán sản xuất, chăn nuôi tại địa phương. Sau khi gia nhập vào nhóm, được giao tiếp, sinh hoạt, bầu làm Trưởng nhóm, được tập huấn theo an toàn sinh học phân chia nhỏ kết hợp việc cầm tay chỉ việc tại hiện trường, được cán bộ truyền đạt cách thức tổ chức sản xuất, chăn nuôi, tham gia đi chọn lựa con giống, anh dần trở nên cởi mở, năng động, thay đổi trong nhận thức về cách thức làm ăn, sản xuất, mạnh dạn trong giao tiếp, tham gia các giao dịch. Từ diện hộ nghèo (thu nhập chỉ 800.000 đồng/người/tháng), đến năm 2016, hộ anh đã ra khỏi hộ nghèo với thu nhập bình quân 1.500.000 đồng/người/tháng. Quan trọng hơn là dự án đã bước đầu hình thành thói quen chăn nuôi mới cho bà con dân tộc thiểu số.

Anh tâm sự, với kiến thức tổ chức sản xuất, kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, chọn con vật nuôi đã góp phần làm thay đổi tập quán, tư duy, nhận thức, cách nghĩ, cách làm của bản thân anh và bà con nhân dân địa phương. Từ nhận thức, tư duy mới đó, bà con đã có cái nhìn mới, thoát khỏi tâm lý trông chờ ỷ lại, dám mạnh dạng đầu tư phát triển sản xuất, đồng thời biết làm cái gì cũng phải ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thì mới mang lại hiệu quả.

Thoát nghèo từ nuôi dê

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, thời tiết khô ráo, thức ăn nhiều, giá xuất bán cao và ổn định, nuôi dê lai sinh sản tại tỉnh Gia Lai cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với các hình thức chăn nuôi khác. Xuất phát từ điều kiện tự nhiên trên, những nông dân nghèo làng Chưp, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang đã mạnh dạn đề xuất thực hiện Tiểu dự án nuôi dê lai sinh sản từ hỗ trợ của Dự án giảm nghèo Tây nguyên huyện Mang Yang. Nhóm cải thiện sinh kế nuôi dê lai sinh sản tại làng Chưp, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai có 20 thành viên với 17 hộ nghèo và cận nghèo, 3 hộ khá. Ngay sau khi thành lập nhóm, các thành viên trong nhóm đã tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc dê đúng quy trình kỹ thuật. Ban đầu mua dê giống về nuôi, mọi người khá bỡ ngỡ vì mô hình chăn nuôi này khá mới mẻ với bà con nhưng do nắm vững kỹ thuật nên đàn dê của nhóm sinh trưởng và phát triển tốt, không có con nào bị chết. Mọi người đều phấn khởi bởi sự khởi đầu mới khá thuận lợi.

Bác Đinh Thị Krót và mô hình nuôi dê sinh sản, Tiểu dự án sinh kế Nuôi dê sinh sản Thôn Gò Ra, Xã Sơn Thành, Huyện Sơn Hà, Tỉnh Quảng Ngãi.  

Bác Đinh Thị Krót và mô hình nuôi dê sinh sản, Tiểu dự án sinh kế Nuôi dê sinh sản Thôn Gò Ra, Xã Sơn Thành, Huyện Sơn Hà, Tỉnh Quảng Ngãi.  

Sau khi làm chuồng, nhóm tự đi mua giống dê lai, hàng ngày các thành viên trong tổ đều thay phiên nhau chăm sóc và mang thức ăn cho dê như lá xoan, lá bời lời, cỏ …đồng thời cùng theo dõi tình hình dịch bệnh của đàn dê... Vì vậy, sau thời gian ngắn triển khai tiểu dự án, đàn dê sinh trưởng phát triển tốt, một số con đã sinh sản, dê con khỏe mạnh, trung bình một con dê cái có thể sinh sản bình quân từ 2-3 lứa/năm, mỗi lần sinh được 1- 2 con, và chỉ trong khoảng từ 10 tháng đến một năm dê có thể xuất chuồng, trọng lượng trung bình khoảng 25kg một con. Đến nay, đàn dê đã tăng, từ 22 con ban đầu lên 37 con. Với giá thành như hiện nay, giá thịt dê dao động khoảng 110 -130 nghìn đồng/kg, con số này khá cao so với các vật nuôi khác mà lại không gặp nhiều rủi ro, đặc biệt nhu cầu cung cấp dê thịt rất lớn nên không lo lắng về đầu ra. Bên cạnh đó, việc chăn nuôi dê sinh sản có vốn đầu tư ít, nguồn thức ăn cũng sẵn có trong các hộ như cỏ, lá cây, phụ phẩm nông nghiệp phù hợp với điều kiện chăn nuôi của bà con nhất là người dân tộc thiểu số. Ngoài ra việc chăn nuôi theo hình thức nhốt chuồng giảm được công chăn thả và quản lý được dịch bệnh đặc biệt là tận dụng được nguồn chất thải để làm phân hữu cơ bón cho cây trồng.

Cứ đều đặn, nhóm tổ chức họp mỗi tháng 01 lần, nhóm trưởng nhắc nhở các thành viên thực hiện tốt điều lệ nhóm, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc dê, lên kế hoạch phân công nhiệm vụ cho từng thành viên thực hiện các công việc cho tháng tiếp theo. Thực tế cho thấy, tiểu dự án nuôi dê lại sinh sản tại làng Chưp đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đã khai thác được lợi thế, tiềm năng của địa phương. Đồng thời mở ra hướng sản xuất chăn nuôi mới cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với quy hoạch phát triển chăn nuôi nông hộ của địa phương, nâng cao giá trị sản xuất vừa góp phần thay đổi dần tập quán chăn nuôi, thả rông gia súc của người dân tộc thiểu số ở địa phương.

Niềm vui từ Lách Ló

Cách trung tâm xã Nam Kar chừng 30 km, buôn Lách Ló, xã Nam Kar, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk với những nóc nhà thưa thớt ẩn mình giữa rừng quốc gia Nam Kar, gần như tách biệt với các cộng đồng xung quanh. Để đến với Lách Ló không hề đơn giản, bởi đường vào buôn quá chông chênh, lầy lội, phải mất hơn 1 giờ đồng hồ đi xe máy trong điều kiện thời tiết khô ráo mới có thể tiếp cận được. Ông Ama Hoan, một người M'Nông cho biết, buôn có 45 hộ, tất cả đều là hộ nghèo. Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đã được triển khai từ năm 2015. Ban đầu chỉ là hỗ trợ làm chuồng, tập huấn kỹ thuật nuôi bò lai, trồng cỏ nuôi bò... Đến nay, trong 11 con bò dự án hỗ trợ đã có 9 con đẻ bê con. Không dấu được sự phấn khởi ông Ama Hoan hồ hởi cho biết, từ 1 con bò cái ban đầu, đến nay hầu hết các chuồng đã có bò mẹ, bò con. Người nghèo ở buôn Lách Ló ai nấy đều phấn khởi, ngày ngày thăm bò của nhau và cùng nhau bàn cách chăm bò cho tốt để thoát nghèo.

Lách Ló đến nay vẫn là một trong những buôn nghèo nhất, khó khăn nhất ở huyện Lắk, cũng như trong các thôn, buôn đang tham gia dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Song, sau gần 2 năm triển khai dự án với cách tập hợp người dân theo nhóm, phát huy tính tự chủ trong lựa chọn đầu tư và tập huấn, thực hành chăn nuôi  theo nhóm, cùng với đó là sự tận tâm, trách nhiệm của những cán bộ dự án, sự phát triển hiện hữu của đàn bò, niềm tin về một tương lai tươi sáng hơn đang lớn dần lên trong mỗi hộ dân.

Ruộng dứa của nhóm cải thiện sinh kế làng H’Lim, Xã Lơ Pang, Huyện Mang Yang, Tỉnh Gia Lai.

11 thành viên nhóm cải thiện sinh kế vẫn đang thảo luận thời gian tới sẽ trồng cây gì, nuôi con gì để phát triển quỹ, duy trì nhóm. Có thể là sẽ là một ruộng lúa, ruộng ngô hay một đàn gà chung của cả nhóm sẽ được triển khai trên cơ sở nguồn quỹ đóng góp lâu nay của các thành viên.

Những câu chuyện của anh Mến, làng Chưp, hay buôn Lách Ló chỉ là một vài ví dụ về những cộng đồng dân cư ở khu vực Miền Trung và Tây Nguyên đang từng bước thoát nghèo. Với mục tiêu cải thiện cơ hội sinh kế cho các hộ nghèo và cộng đồng ở khu vực Miền Trung và Tây Nguyên, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đã mang lại những kết quả tích cực sau 5 năm thực hiện. Dự án đã nâng cao mức sống cho người dân thông qua cơ hội cải thiện sinh kế ở các xã nghèo, bằng cách tăng tính tự chủ trong sản xuất nông nghiệp, củng cố an ninh lương thực, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng kết nối ở cấp huyện nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng cường tiếp cận dịch vụ công cộng, kết nối thị trường để tạo thu nhập bền vững cho người dân.     

 

                                                                                                                       

 

 

         

                                  

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận